MỸ THO XƯA VÀ NAY: CẦU QUAY MỸ THO

LỊCH SỬ CẦU QUAY Ở MỸ THO, TIỀN GIANG
Người Pháp đến Mỹ Tho vào năm 1861. Theo ghi chép của các nhà sử học, khoảng năm 1890, Pháp cho xây cây cầu đầu tiên bắc qua kinh Bảo Định để thay thế cho những cây cầu tre thô sơ hay những chiếc đò ngang nhỏ bé, đó chính là cầu Quay.

Cầu Quay giúp cho người dân phía bên Chợ Cũ (xưa có tên gọi là làng Mỹ Chánh, tiền thân của thành phố Mỹ Tho) và người dân của  các thôn Điều Hoà, Thạnh Trị, Bình Tạo (các làng phía Tây thành phố) qua lại dễ dàng. Việc xây cầy Quay còn làm cho nơi đây trở thành một trung tâm hành chánh, thương mãi, kinh tế, xã hội... của lỵ sở trấn Định Tường. Và từ đó, khu vực bên phía Tây cầu Quay từng bước trở thành trung tâm thành phố Mỹ Tho ngày nay.

Trải theo từng bước thăng trầm của lịch sử, cho đến nay cầu Quay đã qua ba lần xây cất. Lần thứ nhất vào khoảng năm 1890, xây dựng bằng sắt thép, mang tên cầu Quay. Đến năm 1938, do cầu bị sập (nhưng không tai nạn nào), người Pháp cho làm lại ngay sau đó bằng bê tông cốt sắt tức là loại cầu đúc, nhưng vẫn giữ tên Cầu Quay. Đến năm 199? cầu được phá đi và xây cất lại cũng bằng bê tông cốt sắt, dù vậy vẫn còn mang tên Cầu Quay khiến cho những người lớn tuổi chạnh nhớ đến cây cầu Quay ngày xưa và một số thanh thiếu niên không hiểu vì sao cây cầu nầy lại có tên là Cầu Quay.

Cầu Quay Mỹ Tho nguyên thủy là một công trình kiến trúc mà người Pháp gọi là “mẫu Eiffel” (style Eiffel), hàng đầu thế giới thời ấy. Công trình do kiến trúc sư người Pháp - ông Gustave Eiffel thiết kế, hoàn toàn dùng vật liệu sắt thép. Eiffel là nhà tiên phong trong công trình sắt thép trên thế giới, là công trình sư của tháp Eiffel, Paris – biểu tượng và cũng là thắng cảnh nổi tiếng của Pháp. Hầu hết các công trình kiến trúc bằng sắt thép ở Pháp cũng như ở Việt Nam thời bấy giờ, trong đó có cầu xe lửa Bến Lức, cầu xe lửa Tân An, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa… cầu Quay nguyên thủy ở Mỹ Tho cùng những cây cầu quay khác ở nhiều tỉnh của Việt Nam, trong toàn cõi Đông Dương và luôn cả thế giới đều có công đóng góp của vị kiến trúc sư tài ba nầy.

Cây cầu Quay Mỹ Tho được xây cất hoàn toàn bằng sắt với đặc điểm là nhịp giữa có 2 đoạn rời nhau. Bình thường, 2 đoạn của nhịp giữa hạ xuống để cho xe cộ và bộ hành qua lại. Khi cần, hai đoạn nầy được tách ra và kéo lên cao như nóc nhà để có độ cao cho tàu bè lưu thông phía dưới.

Cũng nên biết, trước khi có bê-tông cốt sắt, ngoài gạch đá, các công trình xây cất đều được thực hiện bằng sắt thép. Nhân tiện, xin nêu ra 4 mô hình cầu bằng sắt thép trên thế giới mang dấu ấn Eiffel cách nay vài thế kỷ để thấy Việt Nam ta và nhất là thành phố Mỹ Tho đã có được một công trình độc đáo như vậy.

Có đến 4 kiểu mẫu như sau, để ta biết vì sao cây cầu lịch sử nầy có tên là cầu Quay, và biệt danh nầy mãi đến bây giờ vẫn còn.


Cầu Mở: Cầu Quay Mỹ Tho vận hành theo lối mở lên cao như đã trình bày ở phần trên, lẽ ra không gọi là cầu quay mà phải gọi là cầu mở (pont ouvert). Sở dĩ người dân gọi là Cầu Quay vì khi cần mở cho hai nhịp cất lên cao để tàu bè qua lại, người ta phải dùng tay quay hệ thống ròng rọc để kéo hai đầu nhịp cầu lên cao như mái nhà có dáng đỉnh của hình tam giác. Xin đừng nhầm lẫn với loại cầu quay sẽ trình bày ở phần sau.

Cầu Nâng: Hệ thống cầu Tower bridge, tức là Cầu Tháp qua sông Thames ở Luân Đôn hiện thời, nếu chưa đi chúng ta cũng có thể thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cầu có đặc điểm là nhịp giữa nằm trên hai trụ cầu, thiết kế thành hai tháp (tower, do đó có tên Tower bridge) được đồng bộ nâng lên cao, khi tàu bè qua lại. Cầu nầy thuộc loại cầu nâng (pont levant).

Cầu Quay: Một loại cầu nữa có hai nhịp giữa nằm cân đối trên mỗi trụ hai bên. Khi tàu bè qua lại, hai nhịp giữa được xây ngang do một trục ở giữa. Loại cầu nầy mới chính là cầu quay (pont tournant) có nghĩa là quay ngang.

Cầu Tàu: Còn một loại cầu nữa gọi là cầu tàu (pont de bateaux) không phải cầu cho tàu đậu, mà vẫn là một chiếc cầu bắc sang sông, nhưng nhịp giữa thay vì nằm trên cột cầu, lại được nằm trên chiếc tàu, mỗi bên một chiếc thế cho cột cầu đỡ 2 nhịp cầu. Khi có tàu bè qua lại, hai chiếc tàu nầy nổ máy chở theo 2 nhịp giữa tách khỏi cầu mẹ, nhường chỗ cho tàu qua, xong trở lại vị trí cũ cho xe cộ quay trở lại.

Hình ảnh tour liên tuyến mỹ tho bến tre cần thơ : tour du lịch khởi hành tại mỹ tho 



Theo cổng thông tin điện tử Tiền Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét